Saturday, 20 April 2019

Review: Andalou Naturals - Brightening Cream Cleanser, Renewal Cream và Glycolic Mask

Chào mọi người!

Trong bài viết hôm nay, tớ sẽ review về 3 sản phẩm trong bộ Brightening của Andalou, đó là Sữa rửa mặt Meyer Lemon + C Creamy Cleanser, Kem dưỡng Probiotic + C Renewal Cream và Mặt nạ Pumpkin Honey Glycolic Mask.

Trong dòng Brightening (màu da cam) này của Andalou còn có toner, serum, kem đêm, mặt nạ đất sét và mặt nạ giấy nữa. Nhưng tớ mới chỉ dùng qua 3 sản phẩm này nên bài viết hôm nay sẽ chỉ review về 3 món này thôi nhé.


Sữa rửa mặt 
Andalou Brightening Meyer Lemon + C Creamy Cleanser
 
  • Dung tích 178ml - tương đương 6 fl. oz.
  • Thiết kế chai nhựa trong, có vòi bơm - thiết kế này đồng nhất trong tất cả các sản phẩm sữa rửa mặt của Andalou mà tớ đã thử (Age Defying màu tím và Clear Skin màu xanh biển)
  • Chất kem màu trắng, không quá đặc. Khi dùng với nước sẽ tạo bọt rất nhẹ.
  • Mùi chanh - tớ cảm thấy hơi hơi giống mùi nước rửa bát.
  • Giá tiền: AUD 19.99, có bán tại Priceline - theo tớ giá này hơi bị đắt, chú ý đợi lúc nào sale 30-40% hẵng mua nha.
  • Thành phần: ALOE BARBADENSIS LEAF JUICE*, PURIFIED WATER (AQUA), SODIUM OLEFIN SULFONATE, SORBITOL, CETYL ALCOHOL, STEARYL ALCOHOL, COCAMIDOPROPYL BETAINE, VEGETABLE GLYCERIN, MAGNESIUM ASCORBYL PHOSPHATE (VITAMIN C), HELIANTHUS ANNUUS (SUNFLOWER) SEED OIL*, STEARIC ACID, PANTHENOL, MANUKA HONEY, CITRUS MEDICA LIMONUM (MEYER LEMON) FRUIT JUICE*, SIMMONDSIA CHINENSIS (JOJOBA) SEED OIL*, HIPPOPHAE RHAMNOIDES (SEA BUCKTHORN) FRUIT OIL*, FRUIT STEM CELLS (MALUS DOMESTICA, SOLAR VITIS) and BIOACTIVE BERRY COMPLEX*, ALLANTOIN, CAMELLIA SINENSIS (WHITE TEA) LEAF EXTRACT*^, HIBISCUS SABDARIFFA FLOWER EXTRACT*^, TOCOPHEROL, PHENETHYL ALCOHOL, ETHYLHEXYLGLYCERIN, VANILLA ISOLATES, CITRUS LIMON (LEMON) PEEL OIL*, CANANGA ODORATA (YLANG YLANG) FLOWER OIL*.
    *CERTIFIED ORGANIC INGREDIENTS, ^FAIR TRADE INGREDIENTS.
Theo Andalou, sản phẩm này phù hợp với da thường/da hỗn hợp chỗ thì khô, chỗ thì dầu, da bị nám do cháy nắng (hyperpigmentation, sun damage) các kiểu. Với công thức có chứa Vitamin C, fruit stem cell complex (hỗn hợp tế bào gốc từ trái cây), mật ong Manuka, enzyme và các chất chống oxy hóa..., em này sẽ giúp tẩy trôi các chất cặn bạ hay những mảng da khô, chết vv... giúp làm mờ các vùng da không đều màu, cho da sáng, chắc khỏe hơn.


Bản thân tớ thì không tin sữa rửa mặt - một thứ chỉ nằm trên da khoảng tầm 1-2 phút sẽ có khả năng làm sáng và đều màu da nên tớ mua em này chỉ đơn giản vì tớ cần một loại sữa rửa mặt làm sạch ổn và không làm da tớ bị khô là được (lý do muôn thuở!).

Đánh giá của tớ thì em sữa rửa mặt này của Andalou làm tốt yêu cầu mà tớ đặt ra:
  • Chất kem theo tớ là đặc vừa đủ, tức là không loãng quá để nó trôi tuồn tuột ra khỏi tay, nhưng cũng không đặc quá nên có thể dễ dàng xoa đều khắp mặt chỉ với một lượng nhỏ. Chú ý nho nhỏ là mỗi lần tớ chỉ cần chưa đến 1 pump, nên lọ này trông be bé thế nhưng dùng cũng không quá hao đâu. 
  • Vì em này có tạo bọt nhẹ nên thỉnh thoảng tớ dùng kèm với máy rửa mặt (hiện tớ đang dùng máy rửa mặt Aldi chứ 2 cái Foreo của tớ đều đã hỏng/hết pin cả rồi) thấy khá dễ chịu.
  • Sau khi xả sạch, da mặt cảm thấy thoáng, mềm và đủ ẩm chứ không hề thấy khô căng tí nào hết.
  • Hiệu quả làm sáng với đều màu da thì tớ nghĩ là không.

Kem dưỡng
Andalou Brightening Probiotic + C Renewal Cream 
  • Khối lượng 50g - tương đương 1.7 oz.
  • Thiết kế hộp nhựa trong, khá chắc chắn với nắp nhũ bạc.
  • Chất kem màu trắng ngà.
  • Mùi chanh quýt siêu siêu thơm. Khác với lọ sữa rửa mặt mùi như nước rửa bát thì em kem này tuy cũng là mùi chanh nhưng có thêm hương quýt nên nó thơm kiểu rất dễ chịu, sảng khoái ý.
  • Giá tiền: AUD 29.99, có bán tại Priceline. Giá này theo tớ không phải là rẻ, nhưng tớ thấy xứng đáng với chất lượng - cụ thể xem ở dưới. Tuy nhiên, hãy đợi khi nào Andalou on sale 30-40% off hẵng mua nhé.
  • Thành phần: ALOE BARBADENSIS LEAF JUICE*, PURIFIED WATER (AQUA), VEGETABLE GLYCERIN, DICAPRYLYL CARBONATE, SIMMONDSIA CHINENSIS (JOJOBA) SEED OIL*, CETYL ALCOHOL, GLYCERYL STEARATE, STEARIC ACID, TOCOPHEROL, MYRISTYL MYRISTATE, ALLANTOIN, FRUIT STEM CELLS (MALUS DOMESTICA, SOLAR VITIS) and BIOACTIVE 8 BERRY COMPLEX*, MAGNESIUM ASCORBYL PHOSPHATE (VITAMIN C), HYDROLYZED MYRTUS COMMUNIS LEAF EXTRACT, LYCIUM BARBARUM (GOJI) FRUIT EXTRACT, PROBIOTIC COMPLEX (ALPHA-GLUCAN OLIGOSACCHARIDE, POLYMNIA SONCHIFOLIA ROOT, MALTODEXTRIN and LACTOBACILLUS), OLIVE SQUALANE, SODIUM HYALURONATE, HELIANTHUS ANNUUS (SUNFLOWER) SEED OIL*, PANTHENOL, CALENDULA OFFICINALIS FLOWER EXTRACT*, ROSA CANINA (ROSEHIP) FRUIT OIL*, CAMELLIA SINENSIS (WHITE TEA) LEAF EXTRACT*^, PHENETHYL ALCOHOL, ETHYLHEXYLGLYCERIN, CITRUS TANGERINA (TANGERINE) PEEL OIL, CITRUS AURANTIUM DULCIS (ORANGE) PEEL OIL*.
    *CERTIFIED ORGANIC INGREDIENTS, ^FAIR TRADE INGREDIENTS.
Tương tự như sữa rửa mặt, theo Andalou, em này với thành phần chứa Vitamin C, Fruit Stem Cell Comlex và các probiotic (lợi khuẩn) từ thực vật sẽ giúp nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh hơn, giúp da sáng khỏe, đều màu.

Đây là sản phẩm skincare chứa Vitamin C đầu tiên tớ sử dụng. Vì là lần đầu tiên, cộng với da dẻ tiền sử nhạy cảm dễ lên mụn, tớ cũng khá rón rét và hôm đầu chỉ dám chấm thử một tí lên chỗ dưới hàm xem có bị phản ứng mẩn ngứa gì không. Rất may là không sao hết! Tớ cũng biết các sản phẩm chứa Vitamin C, đặc biệt nếu đựng trong hũ như thế này, sẽ rất nhanh bị biến chất nên tớ chăm chỉ ngày hai lần bôi đều đặn cho nhanh hết. Sau khi dùng xong lọ đầu tiên thì tớ có đánh giá thế này:
  • Xuất sắc! Tranh thủ Andalou on sale, tớ đã ngay lập tức mua lọ thứ hai để sẵn trong nhà đây rồi.
  • Mặc dù thành phần có chứa Vitamin C, nhưng em này không hề làm da tớ bị đỏ hay rát hay gì gì khác luôn. Cực kỳ nhẹ dịu! Tớ nghĩ em này cực kỳ phù hợp cho những bạn nào mới mon men muốn thử Vitamin C nhưng còn e dè sợ kích ứng.
  • Tuy nhẹ dịu, nhưng hiệu quả trên da thì thấy rõ ràng luôn. Những đốm thâm mụn của tớ có mờ đi nhanh hơn và tớ cũng thấy da dẻ hồng hào, mịn màng hơn sau khi dùng em này kết hợp với mặt nạ bí đỏ mật ong - review ở dưới.
  • Dưỡng ẩm tốt.
  • Em này dùng cũng không hao lắm đâu vì chỉ cần một lượng nhỏ bằng hạt đậu thôi là đủ cho cả mặt rồi. Chất kem đặc nhưng dễ tán và thấm vào da. Tuy nhiên nếu bôi quá tay thì tớ có cảm giác hơi bị bí và nặng mặt, da dễ bị đổ mồ hôi --> kinh nghiệm là dùng ít một thôi nha.

Sản phẩm cuối cùng, rất tiếc tớ không có ảnh thật vì dọn nhà đã vứt lọ đi mất rồi.
Andalou Brightening Pumpkin Honey Glycolic Mask
Nguồn: https://andalou.com/blogs/news/andalou-pumpkin-honey-glycolic-mask
  • Khối lượng 50g - tương đương 1.7 oz.
  • Hộp nhựa giống hệt như hũ kem Renewal Cream tớ vừa review ở trên.
  • Mặt nạ sền sệt màu da cam với các hạt li ti - như kiểu bí đỏ nghiền ý.
  • Mùi mật ong và quế thơm thơm.
  • Giá tiền: AUD 22.99
  • Thành phần: CUCURBITA PEPO (PUMPKIN) PUREE*, ALOE BARBADENSIS LEAF JUICE*, VEGETABLE GLYCERIN, MANUKA HONEY, HYDROXYPROPYL STARCH PHOSPHATE, TOCOPHEROL, FRUIT STEM CELLS (MALUS DOMESTICA, SOLAR VITIS) AND BIOACTIVE 8 BERRY COMPLEX*, HELIANTHUS ANNUUS (SUNFLOWER) SEED OIL*, CALOPHYLLUM INOPHYLLUM (TAMANU) SEED OIL, LIMNANTHES ALBA (MEADOWFOAM) OIL, GLYCOLIC ACID, MAGNESIUM ASCORBYL PHOSPHATE (VITAMIN C), PYRUS MALUS (APPLE) FRUIT EXTRACT*, ANANAS SATIVUS (PINEAPPLE) FRUIT EXTRACT*, SACCHARUM OFFICINARUM (SUGAR CANE) EXTRACT*, CITRUS MEDICA LIMONUM (LEMON) FRUIT EXTRACT*, XANTHAN GUM, SODIUM HYALURONATE, LECITHIN, CAPRYLYL GLYCOL, ASPALATHUS LINEARIS (ROOIBOS) EXTRACT*†, PHENETHYL ALCOHOL, ETHYLHEXYLGLYCERIN EUGENIA CARYOPHYLLUS (CLOVE) FLOWER EXTRACT*, MYRISTICA FRAGRANS (NUTMEG) KERNEL POWDER*, CINNAMOMUM CASSIA (CINNAMON) BARK POWDER*.
    *CERTIFIED ORGANIC INGREDIENTS †FAIR TRADE INGREDIENTS.
  • Cách dùng: Sau khi rửa mặt sạch thì apply em này, để trong 10-20 phút rồi rửa sạch với nước lạnh. Tránh vùng mắt và môi.
Theo Andalou, em mặt nạ này với thành phần chứa Fruit Stem Cell Complex, Vitamin C, AHA, mật ong Manuka và bí đỏ nghiền có tác dụng tẩy da chết, giúp làm sáng và đều màu da.

Cũng giống như em kem dưỡng, tớ cũng cực kỳ mê em mask này và cái cảm giác da mặt sạch thoáng, sảng sủa hẳn lên sau mỗi lần sử dụng.
  • Khi mới bôi lên da, da sẽ cảm thấy nóng bừng lên và châm chích nhẹ. Cái này theo tớ cũng là bình thường và không có gì ngạc nhiên cả, vì thành phần em ý có chứa Glycolic Acid (AHA). Cảm giác này sẽ hết dần trong khoảng 5 phút. Tuy nhiên bạn nào da nhạy cảm thì hãy patch test trước nhé.
  • Sau khi rửa mặt sạch, da tớ không bị đỏ mà ngược lại, thấy sáng hẳn lên ý, kiểu sáng sủa chứ không phải sáng trắng đâu nha. Da cũng cảm thấy nhẹ nhõm, thoáng sạch rất sảng khoái ý.
  • Sau một thời gian sử dụng, cùng với em kem dưỡng, tớ thấy những đốm thâm có mờ đi nhanh hơn và da dẻ cũng hồng hào, mịn màng hơn.
  • Tần suất sử dụng: 2 lần/tuần.

Tóm lại, tớ khá hài lòng với 3 sản phẩm này của Andalou và đã/sẽ còn mua lại nữa.

Monday, 5 February 2018

Review:: Clinique Anti-Blemish Solutions All Over Clearing Treatment

Hello cả nhà,

Bài viết hôm nay tớ sẽ dành để review một sản phẩm trị mụn nằm trong bộ 3 bước Anti-Blemish Solutions của Clinique. Lưu ý sản phẩm trong bài viết này là loại bán ở Úc, thành phần chứa Salicylic Acid, không phải loại có Benzoyl Peroxide 2.5%  bán tại Mỹ


Clinique Anti-Blemish Solutions
All Over Clearing Treatment
Sản phẩm này tớ đã mua từ lâu lắm rồi nhưng chưa kịp dùng thì lại có bầu. Vì trong thành phần em này có chứa Salicylic Acid nên tớ đành hoãn lại và đợi đến tận bây giờ mới bóc ra dùng thử. Sau hơn 1 tháng sử dụng thấy khá ổn nên tớ muốn viết bài review cho em ý luôn.

Sản phẩm này được Clinique giới thiệu là bước cuối cùng trong bộ 3 bước trị mụn Anti-Blemish Solutions, gồm có
- Bước 1 - Làm sạch với Anti-Blemish Solutions Cleasing Foam
- Bước 2 - Tẩy da chết với Anti-Blemish Solutions Clarifying Lotion
- Bước 3 - Điều trị với Anti-Blemish Solutions All Over Clearing Treatment

Vì tớ mua em này một cách rất ngẫu hứng (mua cho đủ số tiền để được nhận gift-with-purchase =]] ) nên tớ không hề biết đến cái bộ 3 bước này cho đến lúc bóc em ý ra dùng và ngồi đọc thông tin. Vì còn khá nhiều mỹ phẩm cần dùng nốt, nên tớ quyết định chỉ thêm em này vào routine hiện giờ thay vì đi mua cả 2 step kia, và vẫn giữ nguyên các sản phẩm khác không thay đổi. Tớ dùng em treatment này sau sữa rửa mặt và toner (nếu có thời gian), và trước bước kem dưỡng và dầu dưỡng. 

Clinique giới thiệu về em này là sản phẩm không chứa cồn, không hương liệu, phù hợp cho mọi loại da, đã được kiểm định về dị ứng. Theo Clinique:
  • Em này có chứa các thành phần trị mụn hiệu quả, giúp trị mụn có sẵn đồng thời ngăn ngừa mụn.
  • Công thức mỏng nhẹ tạo ra lớp màng chắn vô hình, cho da được thở, chống lại những tác nhân gây mụn.
  • Kiểm soát dầu cả ngày.
  • Làm dịu, giảm những vùng da bị đỏ.
  • Dưỡng ẩm nhẹ giúp giảm tối đa da khô và bong tróc
  • Da cảm thấy mềm, mượt, dễ chịu.

Về bao bì, em này đựng trong tube nhựa xanh nhỏ nhắn xinh xắn. Cũng như các sản phẩm Clinique khác, thiết kế rất đơn giản nhưng vẫn nhã nhặn, lịch sự. Đặc biệt tube mới tinh khi mua sẽ có cái seal bằng giấy nhôm ở miệng tube nên khi mới mở nắp tớ cảm thấy khá là yên tâm.



Em này có chất kem lỏng, kiểu như lotion ý, màu trắng. Một lần dùng tớ lấy lượng cỡ như trong ảnh dưới. Khi thoa lên da, kem thấm khá nhanh và không gây châm chích. Khi đã ngấm hết da mặt không bị nhờn dính mà rất khô ráo. Riêng về mùi, tớ hơi ngạc nhiên là em này có mùi hơi chua, khá giống với Esteé Lauder ANR.



Thành phần:
Water, Cyclopentasiloxane, PPG-14 Butyl Ether, Hamamelis Virginiana (Witch Hazel) Water, Sucrose, Steareth-21, Acrylamide / Sodium Acryloyldimethyltaurate Copolymer, Acetyl Glucosamine, Camellia Sinensis (Green Tea) Leaf Extract, Algae Extract, Laminaria Saccharina Extract, Avena Sativa (Oat) Kernel Extract, Glycine, Anthemis Nobilis (Chamomile), Chamomilla Recutita (Matricaria), Hinokitiol, Menthol, Salicilyc Acid, Isohexadecane, Caffeine, Steareth-2, Glycerin, Quaternium-22, Butylene Glycol, Polysorbate 80, Phytosphingosine, Pentylene Glycol, Disodium EDTA, Phenoxyethanol, Benzalkonium Chloride [ILN32174]
Cảm nhận của tớ khi kem ngấm, da cảm giác khá khô ráo, hơi mịn mịn một tị, kiểu "velvety", có lẽ là do trong thành phần có chứa Cyclopentasiloxane (đầu bảng), và Acrylamide / Sodium Acryloyldimethyltaurate Copolymer. Tuy là silicone nhưng da không hề thấy bí mà rất nhẹ mặt, dễ chịu.

Đọc bảng thành phần thì tớ thấy em này đúng là chứa rất nhiều thành phần tốt cho da, ví dụ như Witch Hazel Water (nước vỏ và lá cây phỉ), Green Tea Leaf Extract (chiết xuất lá trà xanh),  Algae ExtractLaminaria Saccharina Extract (các chiết xuất tảo biển), Oat Kernel Extract (chiết xuất yến mạch), ChamomileMatricaria (hoa cúc) đều có tác dụng làm dịu da, kháng viêm và chống oxy hóa. Ngoài ra, em này có Acetyl Glucosamine có tác dụng thúc đẩy quá trình tẩy da chết, làm đều màu da, tái tạo da và hỗ trợ chống lão hóa.
Salicylic Acid đứng gần phía cuối bảng thành phần. Tớ có tìm mà rất tiếc không biết % cụ thể là bao nhiêu. Ngoài ra thì em này còn chứa Menthol, rất may em ý không làm tớ bị dị ứng.
Cuối bảng ngoài các chất bảo quản, nhũ hóa... thì có một số chất dưỡng ẩm quen thuộc như Glycerin, Butylene Glycone, Pentylene Glycol.

 
Hôm mới đầu dùng em này tớ khá là rón rén, vì vẫn còn nỗi ám ảnh kinh hoàng từ Effaclar Duo (review ở đây) cách đây mấy năm =]] rất may sau 1 tuần patch test tớ không bị dị ứng.

Sau hơn 1 tháng sử dụng, tớ nhận xét về em này như sau:
- Như tớ có nói ở trên, khi mới thoa lên da em này không làm tớ thấy có cảm giác kích ứng gì hết, không châm chích, không mát lạnh, chỉ như bôi dưỡng ẩm rất bình thường. Sau khi ngấm hết, da mặt khá khô ráo, dễ chịu, hơi có cảm giác "velvety" một chút.
- Em ý có gây đẩy mụn, nhưng không nhiều. Sau khi dùng 2 hôm, tớ bị lên khoảng 4-5 cái mụn đầu trắng ở khu vực quanh mũi, cằm... nhưng chỉ sau 2 ngày là chúng đã biến mất.
- Hôm trước tớ bị lên 2 cái mụn bọc do nội tiết, bình thường nếu tớ dùng Tea Tree Oil của The Body Shop thì chắc phải mất tầm 1 tuần mới xử lý được, thế mà dùng cái này 2 hôm sau mụn đã xẹp và sau đó thì cũng biến mất luôn. Tớ khá băn khoăn không hiểu vậy nhân mụn đã đi đâu????? 
- Ngoài mấy hôm bị đẩy mụn lúc đầu và mụn nội tiết, da dẻ tớ dạo này đúng là tốt hơn hẳn (trộm vía), thâm mụn và những vùng da đỏ gần như không còn nữa. Nói thật là 4 năm nay giờ là lúc da tớ đẹp nhất luôn (trộm vía tỉ lần =]])
- Da được kiềm dầu tốt, ngủ dậy sờ mặt vẫn khô ráo không hề có dấu hiệu đổ dầu gì luôn. Tuy nhiên cái này thì tớ đã thấy từ hồi tớ dùng rosehip oil của Trilogy (review ở đây) rồi cơ ý, nên cũng khó mà nói là em Clinique này có góp công gì hay không.
- Tuy Clinique nói rằng em này có khả năng dưỡng ẩm nhẹ, nhưng không thể vì thế mà bỏ qua bước dưỡng ẩm được đâu mọi người nhé. Tớ đã thử 2 hôm đầu chỉ skincare đến em này là kết thúc thì da mặt tuy chưa đến nỗi bong tróc nhưng mà khô căng khó chịu lắm luôn.

Tổng kết lại thì tớ thấy em này cũng làm được đến 80-85% những gì em ấy claim đấy chứ. Tớ sẽ tiếp tục dùng hết tube này và cân nhắc xem có mua lại em ý hay không. 

Giá của em ý là $29 cho một tube 50ml. Tớ thấy giá này khá ổn cho một sản phẩm ngừa và trị mụn hiệu quả, nhẹ dịu, lại đến từ một thương hiệu tầm trung như Clinique. Tớ recommend em này.

Bài viết đến đây là hết. Cảm ơn mọi người đã ghé qua blog. Tớ sẽ quay lại sớm! Bye!

Tuesday, 23 January 2018

Nuôi con sữa mẹ - những thứ cần thiết | Review nhanh máy hút sữa Spectra 9 Plus

Hello cả nhà!

Dạo này tớ đang thử một sản phẩm skincare mới nên chắc phải vài tuần nữa mới có bài review chi tiết được. Vậy nên bài viết hôm nay tớ sẽ để dành cho topic Mẹ và Bé, chuyện nuôi con bằng sữa mẹ (NCSM) và cụ thể hơn là những thứ theo tớ là cần thiết, hỗ trợ các mẹ NCSM thành công.

Đầu tiên, về chuyện NCSM chắc ai cũng biết "sữa mẹ là tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ" rồi. Như tớ có nói trong bài viết về chế độ ăn khi mang thai, tớ sinh em bé ở Úc. Ở bệnh viện nơi tớ sinh con (Centenary Hospital for Woman and Children - The Canberra Hospital), bệnh viện mặc định là nếu không có vấn đề gì về sức khỏe, em bé sẽ được da tiếp da và ti mẹ cả tiếng đồng hồ ngay sau khi cất tiếng khóc chào đời, những chuyện khác như cân đo, lau rửa... đều được để lui lại sau. Đặc biệt em bé sẽ không được cho ăn bất cứ thứ gì ngoài sữa mẹ, trừ khi điều kiện y tế bắt buộc ("Give newborn infants no food or drink other than breast milk unless medically indicated" - link). Giờ tớ sắp sửa quay lại làm, cơ quan cũng vô cùng tạo điều kiện khi cho phép các mẹ đang NCSM được dành ra 1h/ngày để hút sữa hoặc cho con bú và có phòng riêng sạch sẽ, kín đáo, riêng tư để làm việc đó. Nói vậy để thấy ở Úc - nơi có hệ thống y tế cực kỳ phát triển, NCSM rất được đề cao và ủng hộ.

Thôi không lan man nữa, quay lại bài viết hôm nay. List sau đây là tớ tự tổng hợp theo trải nghiệm của bản thân tớ thôi. Bài viết tưởng ít nhưng tớ dài dòng văn tự nên thành ra lê thê luôn, hy vọng các mẹ không chê, thôi mình cùng bắt đầu luôn nhé.

1. Kiến thức
Tớ nghĩ đây là thứ đầu tiên và cũng là quan trọng nhất luôn. Tớ bắt đầu tìm hiểu về NCSM lúc tầm 6 tháng, và càng đọc càng thấy thích và vỡ ra được nhiều điều. Tớ nghĩ các mẹ nên tìm hiểu sớm, vì thực sự sau sinh, các mẹ sẽ quá mệt mỏi, bận rộn, chỉ muốn ngủ thôi ý chứ chả có tâm trạng nào mà đọc với chả tìm hiểu nữa đâu. Ngoài ra, việc tìm hiểu sớm cũng giúp mình chuẩn bị tâm lý cho bản thân và người nhà, đặc biệt thuyết phục để mọi người hiểu và ủng hộ. Tớ thấy ở VN hầu như mọi người đều rất ủng hộ chuyện NCSM, đặc biệt là các bà nội bà ngoại, nhưng mọi người còn nhiều hiểu biết chưa đúng, dẫn đến việc NCSM thất bại.

Ví dụ từ chính tớ đây, cả hai mẹ tớ đều không ủng hộ việc tớ đi đẻ mà không chuẩn bị sẵn sữa công thức cũng như bình sữa vì "nhỡ chưa có sữa, em bé đói thì làm sao?" - câu trả lời là dạ dày trẻ sơ sinh rất bé, cỡ quả cherry khoảng 5-7ml và tớ đã có khoảng 40ml sữa non trữ đông trong xi-lanh rồi nên tớ vô cùng tự tin sẽ có đủ sữa cho con ăn cho đến khi sữa về. Còn ở Úc, người ta khuyên không nên cho bé sơ sinh dùng bình mà nên cho bé ăn bằng thìa, cốc, xi-lanh, thậm chí nhúng ngón tay rồi cho bé mút, để tránh việc bé quen với ti giả mà không chịu mút ti mẹ. Những điều này nếu không tìm hiểu sớm tớ sẽ không bao giờ biết được.
Hoặc một ví dụ khác, mẹ nào sữa vắt ra mà đặc sánh thì được cho là sữa tốt, còn sữa trong veo thì sẽ ngay lập tức bị chê là sữa toàn nước, loãng toèn toẹt, chả có chất gì... Quan niệm này hoàn toàn sai lầm vì sữa mẹ là thể sống (living organism), nó sẽ thay đổi chất lượng để phù hợp nhất với nhu cầu của em bé. Và kể cả sữa trông có vẻ trong veo, loãng toẹt đi chăng nữa thì nó cũng chứa đầy chất dinh dưỡng, enzyme, kháng thể, hormone... mà em bé cần.

Vì ở Úc nên tớ cũng không rành lắm những đầu sách hay về NCSM ở Việt Nam nên tớ không có recommendation nào. Nhưng tớ có biết một số trang web hay, thông tin chi tiết, cụ thể và hoàn toàn miễn phí để giúp các mẹ chưa có kinh nghiệm NCSM có thể tham khảo. Rất tiếc hầu như toàn tài liệu bằng tiếng Anh :(
  • Trang web của Hiệp hội Nuôi con bằng sữa mẹ Úc (Australian Breastfeeding Association - ABA), phần information hoặc search với rất nhiều chủ đề thông dụng các mẹ hay gặp phải https://www.breastfeeding.asn.au/bfinfo/index.html
  • Tập tài liệu ngắn của ABA phát hành, bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, với các thông tin cơ bản, tóm gọn nhất về NCSM như tư thế cho con bú, làm gì khi bị đau đầu vú, cách bảo quản sữa mẹ... - đây cũng là tài liệu tớ được phát khi ra viện.
  • Trang Kellymom: https://kellymom.com/ 
  • Trang Babycenter, mục Breastfeeding https://www.babycenter.com.au/breastfeeding Ngoài ra trang này hay ở chỗ các mẹ có thể Sign up bằng cách nhập ngày dự sinh và email là hàng tuần sẽ có email gửi về với rất nhiều thông tin hay ho ứng với tuần thai của mình. Nhiều thông tin ở đây cực đúng với tớ luôn (ví dụ khi tớ bị ngạt mũi, đau khớp tay (carpal tunnel), chuột rút chân thì babycenter đều báo trước rất chuẩn kèm giải thích vì sao có những hiện tượng trên).
  • Facebook page Mầm Nhỏ: https://www.facebook.com/mamnho.vn/ Đây không phải page riêng về NCSM, mà là trang tổng hợp, chia sẻ tất tần tật chuyện nuôi dạy bé từ 0-6 tuổi. Điều tớ thích ở trang này là các thông tin đều rất cập nhật, khoa học - phù hợp với những thông tin tớ đã đọc được ở các trang nước ngoài. Cách hành văn, dùng từ ngữ thể hiện sự chăm chút của các anh chị admin và đồng thời rất tôn trọng người đọc (Tớ ủng hộ NCSM nhưng tớ rất dị ứng với những trang, hội nhóm "vùi dập" các mẹ chọn sữa công thức để nuôi con). Ngoài những bài viết về NCSM, page còn có rất nhiều thông tin hay khác theo từng topic theo sự phát triển của thai kỳ và bé, như bầu bí, chăm bé sơ sinh, ăn dặm, chăm sóc răng miệng...
Ngoài ra, tớ cũng có tham gia forum trên facebook. Bạn nào ở Úc có thể tham gia hội Breastfeeders in Australia, còn ở Việt Nam có Hội Sữa Mẹ (Bé Tí Bú Ti). Lợi ích của việc tham gia forum là mình sẽ có được rất nhiều thông tin từ các mẹ khác từ nhiều tình huống đời thường mà nếu đọc sách mình dễ bỏ qua. Ví dụ qua forum này tớ mới biết đến khái niệm Wonder week/Leap, hiểu vì sao có những lúc con cứ đòi ti, quấy khóc cả ngày, hay hút sữa mà sữa không ra (nếu không biết chắc sẽ nghĩ mình hết sữa), hay tự nhiên con không chịu ăn bình... Forum cũng là chỗ các mẹ hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, nhiều mẹ cực nhiệt tình luôn ý nên tớ rất hay đọc cả post lẫn comment để xem câu trả lời luôn. Tất nhiên thông tin trên forum đến từ nhiều nguồn, cái đúng cái sai, nên khi xem cũng cần chọn lọc cho phù hợp.


2. Kem bôi làm mềm đầu ti
Món thứ hai này theo tớ cũng cực kỳ cần thiết cho các mẹ, đặc biệt mẹ nào lần đầu cho con bú như tớ. Loại tớ dùng là Lansinoh HPA Lanolin có thành phần 100% lanolin ít gây dị ứng (hypoallergenic), giúp làm mềm đầu ti, phòng và trị nứt cổ gà... Kem này rất an toàn, thoa xong có thể cho bé ti luôn mà không cần phải rửa đi. Tớ dùng em Lansinoh này trước sinh, sau tuần 37, như một cách "chuẩn bị" cho đầu ti mềm và cũng giúp việc vắt sữa non của tớ được dễ dàng hơn (theo lời khuyên của bác sỹ). Ngoài công dụng chính kia, em này còn có thể dùng làm kem dưỡng môi ban đêm nữa, siêu tốt luôn.


Tớ có cả tube 15g (giá khoảng $12) và 50g (khoảng $25-30), nhưng tớ khuyên mọi người chỉ cần mua tube nhỏ thôi vì kem này mỗi lần chỉ cần dùng rất ít và cũng chỉ cần trong khoảng tháng đầu tiên khi cơ thể mình chưa quen với việc cho con bú liên tục. Giờ thành mẹ bò sữa mình đồng da sắt rồi có cho con ti cả ngày tớ cũng chả thấy xi nhê gì luôn :))

3. Miếng lót thấm sữa
Cái này để gài vào trong áo lót, việc của nó là để thấm sữa thôi, rất sạch sẽ, kín đáo mà còn tránh những tình huống dở khóc dở cười khi sữa bị rò rỉ. Các mẹ có thể chọn loại dùng một lần, hoặc loại giặt được - dùng nhiều lần. Tuy nhiên lưu ý nếu mẹ nào đang bị nứt cổ gà, đầu ti đang tổn thương thì nên hạn chế dùng cái này mà hãy để đầu ti thông thoáng thì vết thương sẽ nhanh hồi phục hơn.

Trong hình tớ có loại của Lansinoh - màu tím, và một loại là đồ homebrand (nhãn hàng của siêu thị) siêu rẻ của Coles. Tớ cũng đã dùng qua của Medela rồi, siêu đắt mà chả thấy có gì khác cả. Có lẽ tớ không bị chảy sữa nhiều lắm nên khá dễ tính, loại nào, hãng nào cũng được.


4. Áo lót cho con bú
Là loại áo lót có cái móc ở dây để khi cho con bú/hút sữa chỉ cần gỡ móc ra là phần che bầu ngực tuột xuống. Tớ chọn loại áo không gọng vì nghe nói dùng có gọng trong những tháng đầu dễ gây tắc sữa/viêm tuyến vú. Mặc áo lót và có gài miếng lót thấm sữa ở trong thì cực kỳ sạch sẽ, lịch sự luôn. Các mẹ nên chịu khó ở nhà ban ngày cũng mặc áo lót để nâng đỡ ngực, tránh sau này bị chảy xệ nhé.



5. Nipple shield
Cái này có thể là món đồ must-have với tớ thôi, chứ nhiều mẹ hoàn toàn có thể cho con ti trực tiếp thành công mà không cần dùng đến nó. 

Tớ google thì thấy ở nhà cái này gọi là núm trợ ti hoặc núm vú hỗ trợ cho bú, làm bằng silicone rất mỏng và mềm, dùng để chụp lên bên ngoài ti mẹ rồi mới cho bé mút, sữa sẽ theo lỗ chảy ra. Em này sẽ rất có ích với mẹ nào có núm vú quá bé, phẳng, tụt vào trong, bị đau hoặc có dòng chảy sữa quá mạnh bé không bú kịp. Cái này tớ được bệnh viện phát cho khi midwife đến nhà kiểm tra sức khỏe hai mẹ con tuần đầu và thấy tớ gặp khó khăn khi cho con bú. Thực sự là cái shield này đã giúp tớ rất nhiều trong tháng đầu, cũng chính là giai đoạn khó khăn nhất khi mới bắt đầu NCSM. Hiện giờ tớ đã quen với việc cho con bú và bé nhà tớ cũng lớn hơn nhiều rồi nên không cần dùng đến nó nữa.

Loại tớ dùng là của Medela, size L = 24mm. Loại này còn có size S = 16mm và size M = 20mm, giá tham khảo khoảng $30/đôi, nhưng ở VN hình như chỉ tầm 350k thôi thì phải, giá chênh nhau dã man :((


6. Hydrogel Breast Discs
Cái này là miếng dán lạnh giúp giảm đau, đặc biệt tốt trong những ngày đầu hoặc khi bị viêm tuyến sữa. Tốt nhất theo tớ là để tủ lạnh rồi lấy ra chườm, sướng lắm luôn. Trộm vía tớ chưa bị viêm tắc tuyến sữa bao giờ nên cũng chỉ mới dùng mấy miếng hồi sữa mới về ngực nóng rần rật thôi, nhưng vẫn cứ cho vào list biết đâu các mẹ lại cần. Loại tớ dùng và cũng được rất nhiều mẹ Úc recommend là của Rite-Aid, giá khoảng $7/12 miếng.



7. Milk saver/milk catcher/breast shells
Cái này có rất nhiều tên, đại loại là để hứng sữa khi nó bị rỉ ra thay vì để sữa thấm vào khăn/quần áo/ miếng lót. Sữa hứng được các mẹ có thể cất vào túi, trữ đông để sau này cho con dùng. Tớ trộm vía nhiều sữa nên có lỡ phí mất đôi chục ml cũng không thành vấn đề, nhưng với mẹ nào không nhiều sữa hoặc không muốn đầu tư máy hút sữa mà vẫn muốn có một ít sữa trữ đông để dành cho con thì cái này khá được việc. 

Loại thứ nhất gọi là breast shell, thiết kế như một cái "khay" kín nhỏ đặt được vào trong áo ngực để hứng sữa. Tớ search thì thấy AventMedela có bán cái này nhưng giá không hề rẻ, Avent là $23/3 đôi, còn Medela thì chát hơn $33/đôi. Điểm trừ là cái này không hứng được nhiều lắm, tầm 15ml thôi nên mẹ nào hay bị rỉ sữa nhiều thì nguy cơ sữa tràn ra áo là rất cao.



Loại thứ hai, tớ đang dùng, đơn giản là một cái bình silicone mềm có miệng rộng có thể hút, ôm vào bầu ngực mẹ. Tớ cho con ti một bên là bên kia kiểu gì sữa cũng rỉ ra, nhiều hôm hứng được hẳn 50ml luôn.


2 loại nổi tiếng nhất ở Úc là Haakaa - giá khoảng $20/bình 90ml và Mumasil - khoảng $25/bình 100ml. Nếu không có điều kiện các mẹ có thể mua ở ebay, gọi là silicon manual breast pump chỉ tầm $8-10 thôi, nhưng chất lượng silicone thế nào, có đảm bảo an toàn, BPA-free hay không thì tớ không chắc lắm. 



8. Túi/bình/khay trữ đông sữa
Cái này thì trên thị trường có vô vàn hãng và các loại ở VN cũng khác bên này nên tớ không recommend một hãng cụ thể nào cả. 
Tớ chỉ có lưu ý là nếu dùng túi, các mẹ nên chọn loại túi:
- có chất liệu an toàn, BPA-free
- thân túi dạng chữ nhật để tiết kiệm diện tích khi trữ đông - tớ sẽ nói cụ thể ở dưới
- nên có 2 lớp khóa (double zip lock) để tránh trường hợp sữa bị rò rỉ 

Loại tớ đang dùng và thích nhất là của Babies R Us, dung tích 175ml, có đầy đủ các đặc điểm trên mà giá lại siêu rẻ $30/120 túi. Ngoài ra phần ghi nhãn rất nhỏ gọn, khi trút sữa từ bình vào túi sẽ ít bị rây ra nên rất sạch sẽ. Tớ thấy túi của Medela, Pigeon, NUK đều có các đặc điểm này, tuy nhiên giá thành đều cao hơn. Ngoài ra, trữ sữa trong bình loại freezer-safe hoặc khay đá kín, có thể rửa đi dùng lại nhiều lần cũng là một giải pháp.

Tớ có được cho một ít túi của Avent thì dùng rất bực mình. Phần nhãn siêu to, lúc nào trút sữa vào túi cũng phải rất cẩn thận mà sữa vẫn bị dây lên nhãn, dính vào phần khóa zip-lock. Có thể nhiều mẹ thấy không sao nhưng chắc tớ đẻ xong bị khó tính nên thấy sữa rơi rớt dính ra xung quanh là không chịu được. Ngoài ra phần thân túi có dáng cong nên khi cấp đông sẽ khá tốn diện tích chứ không được gọn như túi Babies R Us. Các mẹ lưu ý khi chọn túi trữ sữa tránh dáng túi này ra

Tớ để ảnh 2 loại túi tớ dùng ở đây để các mẹ so sánh. Túi Avent có 180ml mà trông cồng kềnh hơn hẳn túi Babies R Us 175ml.


Về chuyện bảo quản sữa mẹ sau khi hút ra như thế nào để đảm bảo an toàn nhất, các mẹ có thể tham khảo tài liệu của ABA tớ đã link ở trên, trang 18, hướng dẫn rất chi tiết cho từng tình trạng sữa với nhiệt độ và thời gian bảo quản tương ứng.

9. Máy hút sữa
Món đồ cuối cùng, cũng là món đắt tiền nhất là máy hút sữa. Theo tớ nếu mẹ nào có điều kiện nghỉ ở nhà với con lâu - ví dụ 1 năm hoặc hơn thế, hoặc làm việc tại nhà... thì hoàn toàn không cần mua máy. Nhưng với các mẹ giống tớ, chỉ nghỉ 6 tháng, thậm chí ít hơn, thì đầu tư vào một chiếc máy hút sữa tốt, bền là vô cùng xứng đáng.

Ngoài chuyện máy hút tay hay hút điện, đơn hay đôi thì tớ thấy một vấn đề rất quan trọng khác là máy sử dụng hệ thống đóng hay mở - "open system" hay "closed system". Máy có hệ thống đóng sẽ có barrier ngăn cách phần tiếp xúc với sữa (milk collection kit) và phần đường ống (tube) cũng như máy móc bên trong, từ đó ngăn không cho sữa chảy ngược vào đường ống (backflow preventation), và ngăn vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Điều này đặc biệt quan trọng với môi trường khí hậu ẩm như ở VN và các mẹ nào có ý định mua máy đã qua sử dụng.

Tớ có tìm hiểu qua qua thì thấy các loại máy điện của Philips Avent, Spectra, Tommee Tippee Closer to Nature và Medela dòng Freestyle là các máy closed system ( Medela tớ không chắc 100%). Máy Medela Swing, Medela Pump In Style là các máy open system. 


Bản thân tớ đang dùng máy Spectra 9 Plus - giá $249 gồm cả thân máy, sạc, 2 phễu hút và 2 bình kèm đầu ti 160ml. Tớ mua hồi sale 20% còn $200. Review nhanh thì em này:
- Là máy closed system
- Hút đôi, nhưng tớ chỉ toàn dùng có 1 bên vì toàn vừa cho con ti vừa hút sữa cùng lúc cho nhanh.
- Rất nhỏ gọn, nặng chưa đến 300g và dùng pin sạc nên rất tiện để sắp tới tớ mang đi làm. Tớ thường 3 ngày mới phải sạc pin 1 lần.
- Có tất cả 10 tốc độ và 2 chế độ: massage kích sữa và hút
- Phễu hút lắp vừa với bình sữa của Avent và một số bình cổ rộng khác, nên khá linh hoạt
- Không biết giá cả ở VN thế nào chứ ở bên này thì Spectra 9 Plus giá rẻ hơn hẳn so với Medela Freestyle (máy mới tinh giá rẻ nhất tớ tìm được là $400).

Bonus tấm ảnh tủ đá 92L chỉ dành riêng cho việc trữ sữa đông, niềm tự hào của tớ - cái này chắc chỉ mẹ nào đang cho con bú mới hiểu thôi haha. Ảnh này tớ chụp 2 tuần trước khi tớ đi làm lại, bé nhà tớ được hơn 5 tháng rưỡi.



Bài viết đến đây là hết, chúc các mẹ NCSM thành công. 
Tớ sẽ quay lại sớm! Bye!

Monday, 8 January 2018

Review sản phẩm skincare cho bé: Sudocrem, Redwin Sorbolene, Gaia Body Wash

Hello hello cả nhà!

Bài viết hôm nay tớ sẽ dành để review 3 sản phẩm chăm sóc da cho em bé mà bạn nhỏ nhà tớ vẫn dùng từ lúc mới sinh đến giờ. Trộm vía bé nhà tớ dùng rất hợp nên tớ hy vọng bài viết này mang lại chút thông tin hữu ích cho mọi người  


Sudocrem Healing Cream
Lần đầu làm mẹ "bỉm sữa", điều đầu tiên và cũng là thứ tớ sợ nhất trong việc vệ sinh em bé là lo con bị hăm tã. Ngoài việc chọn loại bỉm mềm mại và có khả năng thấm hút tốt thì kem bôi chống hăm cho con cũng rất cần thiết. Sau một hồi đọc review chán chê trên mạng tớ đã chọn mua Sudocrem, là sản phẩm thông dụng nhất, và cũng được rate cao nhất trên trang productreview.com.au mục Baby Skincare. Khi tìm hiểu thêm thì tớ được biết Sudocrem đã ra đời từ cách đây hơn 80 năm, có nguồn gốc từ Ireland và là một sản phẩm kem chống hăm cực kỳ phổ biến ở các nước châu Âu.

Sản phẩm này có chứa kẽm oxit (zinc oxide) 15.25% w/w, có tác dụng tạo lớp màng bảo vệ và ngăn cách da khỏi tiếp xúc với nước và độ ẩm khi bé tè/ị, giữ cho da bé luôn khô ráo. Kẽm oxit cũng là thành phần được sử dụng rất rất phổ biến trong các loại kem chống hăm khác trên thị trường như Mustela hay Curash...

Về bao bì, em này bên Úc có bán loại tube 30g và dạng hũ 125g, 250g hoặc 400g. Theo tớ nếu nhà có 1 em bé thì chỉ cần mua cỡ 125g hoặc 250g là phù hợp vì một hũ này dùng được cực lâu. Hũ 125g bé nhà tớ dùng đã hơn 5 tháng rồi mà vẫn còn đến gần 1/3. Còn loại tube nhỏ, gọn thì rất phù hợp để trong túi nappy bag mỗi khi cho con đi chơi.

Thành phần:
Zinc Oxide, Benzyl Alcohol, Benzyl Benzoate, Benzyl Cinnamate, Lanolin, Purified Water, Liquid Paraffin, Paraffin Wax, Microcrystalline Wax, Synthetic Beeswax, Sorbitan Sesquiolate, Propylene Glycol, Antioxidants (citric acid, butylated hydroxyanisole (BHA), propylene glycol), Sodium Benzoate, Linalyl Acetate, Lavender Oil

Ngoài kẽm oxit như tớ có nói ở trên, kem Sudocrem có chứa Benzyl Alcohol (0.39% w/w) là chất kháng khuẩn và có khả năng gây tê tại chỗ nhẹ giúp làm dịu đau rát nếu bé đang bị hăm tã. Benzyl Benzoate (1.01% w/w) và Benzyl Cinnamate (0.15% w/w) giúp da nhanh lành và Lanolin (hypoallergenic, 4% w/w) giúp làm mềm và dịu da (link chi tiết từ website Sudocrem Canada).

Em Sudocrem này có dạng kem màu trắng rất đặc. Tuy không chứa nước hoa nhưng em ý lại có mùi thơm nhẹ. Vì kem này tạo màng ngăn nước cho da nên phải để mông con thật sạch và khô mới bôi kem. Tớ dùng cho con sau mỗi lần thay bỉm, dùng ngón tay chấm một chút kem và thoa tròn hoặc vỗ nhẹ lên da (không kì, kéo mạnh tay kẻo làm đau bé) đến khi màu trắng của kem biến mất, để lại trên da một lớp film hơi dính dính là được.

Về hiệu quả, tớ khá hài lòng với em Sudocrem này. Trộm vía từ lúc sinh, con chỉ dùng duy nhất bạn này mà chưa bao giờ bị hăm. Tuy nhiên khoảng 2 tuần trở lại đây, thỉnh thoảng tớ thấy kẽ mông con hơi bị đỏ mà tớ đoán có khả năng do con chuẩn bị mọc răng. Thay tã cho con thường xuyên và bôi Sudocrem thì vết đỏ sẽ mất sau khoảng 2 ngày. Ngoài ra, với những nốt mẩn do côn trùng đốt hoặc khi vô tình miếng dán bỉm cọ vào đùi con gây đỏ thì dùng Sudocrem tớ thấy những chỗ đó chỉ sau khoảng nửa ngày là hết.

Tớ mua hũ 125g khoảng gần $9. Ở VN loại hũ 60g có vẻ phổ biến hơn có giá tham khảo khoảng 95-100k. Tớ nghĩ giá này cho một sản phẩm vừa chất lượng, lại dùng được rất lâu như vậy là khá rẻ đấy chứ. Tớ rất recommend em này.

Redwin Sorbolene
Sản phẩm này tớ được một cô midwife (y tá/nữ hộ sinh) giới thiệu hồi bé nhà tớ được 2 tuần tuổi. Đợt đó hai bên má con nổi đầy mụn sữa đỏ rực, căng ráp, còn da toàn thân thì khô mốc meo. Tớ có dùng cho con dầu dưỡng Johnson's Baby Oil Light nhưng chẳng cải thiện chút nào, dầu thấm hết thì khoảng 1-2 tiếng sau da con lại khô như cũ. Cô midwife có khuyên tớ nên ngừng Johnson's mà chuyển sang sorbolene hoặc Aveeno Baby vì nhiều bé bên Úc bị dị ứng với Johnson's do thành phần chứa nước hoa, trong khi sorbolene/Aveeno Baby thì dịu nhẹ, an toàn hơn cho da em bé và các trung tâm y tế ở đây hầu như đều dùng. Sau đó một cô midwife khác cũng lại recommend sorbolene cho con nên tớ quyết định dùng sản phẩm này.


Sorbolene là tên gọi chung của kem dưỡng ẩm có chứa glycerin và paraffin, không hương liệu và rất an toàn cho da, kể cả da em bé. Tớ chọn mua sorbolene của hãng Redwin, một nhãn hiệu của Úc, rất phổ biến và có thể tìm mua được ở mọi siêu thị, hiệu thuốc. Em này phải gọi là siêu siêu rẻ, chai 1L to đùng đoàng chỉ khoảng $6-7, chai 500ml nhà tớ đang dùng cũng chỉ khoảng hơn $5, chưa kể hãng này còn thường xuyên sale đến tận 40-50%.

Bao bì em này là chai nhựa màu trắng ngà, có vòi bơm và khóa vòi rất chắc chắn. Hạn dùng 24 tháng sau khi mở nắp.

Thành phần:
Water (Aqua), Glycerin, Sorbitol, Stearic Acid, Mineral Oil (Paraffinum liquidum), Cetearyl Alcohol, Triticum Vulgare (Wheat) Germ Oil, Tetrasodium EDTA, PPG-2 Methyl Ether, Triethanolamine, Imidazolidinyl Urea, Chloroacetamide, p-Chloro-m-Cresol, Sodium Benzoate, Linalool.

Thành phần em này không có gì đặc biệt,. 6 chất đầu tiên (trừ nước) đều là các chất cấp ẩm, giữ ẩm và làm mềm da rất phổ biến và khá an toàn. Các chất phía sau đều là chất bảo quản, tạo dung môi, chất nhũ hóa... với hàm lượng nhỏ cho phép. Chú ý trong sản phẩm này có Chloroacetamide có thể gây dị ứng nếu rây vào mắt.

Em này có chất kem dày, đặc màu trắng, hoàn toàn không có mùi gì hết. Mỗi lần tớ chỉ lấy cỡ 1 hạt ngô là đủ bôi cho cả 2 má của con, còn bôi toàn thân cũng chỉ cần khoảng gấp 4 lần như vậy là đủ. Chất kem đặc nên không ngấm nhanh lắm, nhưng khi đã ngấm thì không hề làm da bị nhờn rít.

Hiệu quả của em này có thể thấy ngay chỉ sau khoảng 2-3 lần bôi. Các nốt mụn trên má nhanh chóng nhỏ lại, bớt đỏ và lặn hoàn toàn sau khoảng 3 ngày. Còn da chân, tay em bé nhà tớ được dưỡng ẩm chỉ ngay sau hôm đầu tiên sử dụng và da con vẫn mềm đến tận ngày hôm sau mà không cần phải thoa lại kem. Ngay bản thân tớ cũng dùng em này cho tay, chân thì thấy cũng không hề thua kém những loại kem dưỡng tay chuyên dụng khác. Tớ thấy đây là một loại kem dưỡng ẩm rất tốt và phù hợp cho các bé (và cả người lớn nữa) có da khô và không bị các vấn đề về da cơ địa như chàm, eczema...

Gaia Natural Baby Bath & Body Wash
Sản phẩm skincare cuối cùng mà bạn nhỏ nhà tớ dùng là gel tắm của Gaia, một hãng mỹ phẩm của Úc với các sản phẩm sử dụng phần lớn nguyên liệu organic, dịu nhẹ và phù hợp cho da nhạy cảm.


Gel tắm này đựng trong chai nhựa mờ màu vàng nhạt, tớ đang dùng loại 500ml có vòi bơm nên rất tiện, chỉ cần một tay cũng có thể dễ dàng lấy được sản phẩm. Gel có màu trong suốt, hương cam dịu dịu và sẽ tạo bọt nhẹ khi hòa với nước. Sau khi tắm xong, em này để lại một lớp film mỏng giữ ẩm trên da.

Thành phần:
Purified Water, Decyl Glucoside, Disodium Cocoamphodiacetate, Cocamidopropyl Betaine, Guar Gum, Lactic Acid, Vegetable Glycerin, Organic Chamomile Extract, Organic Avocado Oil, Organic Evening Primrose Oil, Sodium Hydroxy Methyl Glycinate, Phenoxyethanol and the pure essential oils of Organic Lavender, Organic Sweet Orange and Organic Chamomile (Limonene and Linalool - naturally occurring components of essential oils)

Đứng đầu bảng thành phần là các chất rửa vô cùng dịu nhẹ cho da, rất phù hợp với những làn da nhạy cảm và da em bé. Sau đó là các chiết xuất từ hoa cúc, dầu quả bơ và dầu hoa anh thảo đều có tác dụng nuôi dưỡng cho da mềm, ẩm. Đứng cuối bảng là hai chất bảo quản với hàm lượng nhỏ và tinh dầu oải hương, tinh dầu cam và tinh dầu hoa cúc có tác dụng thư giãn, giúp bé ngủ ngon hơn sau khi tắm mát.

Vì các em bé rất sạch sẽ, chỉ cần tắm nước không cũng đủ rồi nên bé nhà tớ chỉ dùng em gel này 2-3 lần/tuần, những ngày còn lại tớ chỉ tắm và gội đầu cho con bằng nước lã, và tớ cũng chỉ bắt đầu dùng khi con được khoảng hơn 2 tuần tuổi. Một chai to 500ml tớ mua khoảng $17-18 gì đó, hơi đắt hơn một chút so với các loại sữa tắm bé của Johnson's, QV hay Curash (nhưng vẫn rẻ hơn so với Mustela hay Burt's Bees) nhưng vì cũng không dùng thường xuyên nên tớ thấy giá này chấp nhận được.

Trên đây là review 3 - cũng chính là tất cả các sản phẩm chăm sóc da tớ đang dùng cho bạn nhỏ nhà tớ. Hy vọng bài viết này sẽ có ích cho các bà mẹ sắp và đang chăm em bé như tớ. Hẹn gặp lại mọi người ở bài review sau nha.

Tuesday, 2 January 2018

Review:: Philosophy The Microdelivery Detoxifying Oxygen Peel (sample)

Hello mọi người!

Mấy tháng trước tớ có nhận được 2 gói sample mặt nạ của Philosophy mà tận tuần vừa rồi có thời gian mới lấy ra dùng được. Mê quá nên hôm nay tớ sẽ viết bài review nhanh luôn nha.

Philosophy The Microdelivery 
Detoxifying Oxygen Peel
Một bộ sản phẩm này gồm có 2 tube, mỗi tube 60ml, có giá bán cả bộ là $85 (siêu đắt hic hic!!!). Còn tớ chỉ có 2 bộ sample bé tí, mỗi gói này là 2ml vừa đủ dùng cho 1 lần. Như vậy một bộ full size kia tớ đoán dùng được khoảng 25-30 lần.

Lúc đầu nghe tên gọi "peel", tớ tưởng tượng em này sẽ khô se lại thành màng để mình lột đi cơ. Mà da tớ thuộc loại nhạy cảm dễ đỏ ửng nên tớ không khoái loại mặt nạ lột như vậy lắm. Nhưng hôm nọ rảnh quá, mà trông da dẻ lại hơi xạm xịt nên tớ mới lục tủ lấy ra dùng, dù chưa hề đọc review trước về em này và cũng không thèm nhìn thành phần luôn.

Có lẽ trên hộp full size hãng sẽ ghi đầy đủ thông tin hơn. Còn trên sample của tớ, chỉ giới thiệu đây là mặt nạ gồm 2 bước có tác dụng thải độc (detox) và "bơm oxy" (re-ox) cho da sạch, sáng hơn:
- Bước 1 - detox: sau khi đã rửa sạch mặt và thấm khô, thoa mặt nạ trong gói đen, để một lúc. Hãng cũng không nói "một lúc" là bao lâu, tớ để khoảng tầm 2 phút. Không rửa lại, sang bước 2
- Bước 2 - re-ox: bôi tiếp mặt nạ trong gói trắng lên trên lớp mặt nạ đen vừa nãy, xoa đều theo chuyển động tròn để kích hoạt quá trình sủi bọt "bơm oxy", để khoảng 3 phút. Sau đó dùng miếng nhựa - exfoliating derma blade đi kèm để gạt mặt nạ đi rồi rửa lại bằng nước sạch là xong. Tớ vứt cái blade này ở đâu không nhớ nữa, mà lúc đọc hướng dẫn trong sample cũng không hề nhắc đến nó nên tớ quên béng luôn và chỉ rửa bằng tay như bình thường.


Mặt nạ trong gói đen (bước 1) là mặt nạ than hoạt tính có tác dụng thải độc cho da. Em ý có chất gel như thạch ý, bôi lên da thấy man mát. Mặt nạ trong gói trắng (bước 2) thì đặc giống như kem vậy. Khi tớ dùng bước 2 thì ngay lập tức cảm thấy lớp mặt nạ sủi bọt và phồng xốp lên, đồng thời da hơi tê tê nhưng cảm giác đó sẽ biến mất rất nhanh. Dù sản phẩm không có chất tạo mùi nhưng tớ lại ngửi thấy mùi kiểu... rau muống luộc ý :)) Sau khi xoa khoảng 2 phút thì bọt xẹp hết, tớ để thêm khoảng 2 phút nữa rồi rửa sạch (ảnh tớ dùng mặt nạ này tớ sẽ để ở cuối bài viết nhé).


Cảm nhận của tớ sau khi rửa mặt là da cảm thấy cực kỳ sạch, mềm và thoáng, không hề bị đỏ hay châm chích như tớ tưởng tượng. Đặc biệt em này không làm da tớ bị khô như khi dùng các loại mặt nạ đất sét. Sau lần đầu tiên dùng thì chỉ cảm thấy như vậy thôi. 

Sau đó cách 2 hôm tớ dùng tiếp gói thứ 2 vào buổi tối sau khi tắm xong, sau đó tớ skincare ngay, thì sáng hôm sau dậy sờ da mềm và căng bất ngờ, như kiểu bao nhiêu dưỡng từ skincare hôm trước đều được da hấp thụ cả vậy. Ngoài ra thì hôm trước tớ mới bị lên một cục mụn ở má nhưng sáng dậy sờ đã thấy mềm và bớt sưng đi rồi. 

Vì chỉ có 2 gói sample nên tớ cũng chỉ có thể review như vậy. Nói chung tớ thích em này phết, mỗi tội giá chát quá. Tớ nghĩ bạn nào có điều kiện nên thử xem sao. Ngoài ra, theo tớ, sản phẩm này chỉ nên dùng 1-2 lần/tuần, lý do vì thành phần có nhiều chất khá là "harsh" cho da, đặc biệt da nhạy cảm.

-------------------------------------------
Tớ sẽ để thông tin thành phần ở đây. Nói thật là tớ không hiểu về cái cơ chế "bơm oxy" xong lại chống oxy hóa của cái mặt nạ này lắm, cảm giác như hơi bị "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" vậy. Nhưng thực sự cái quan trọng là trải nghiệm trên da tớ rất thích nên thành phần cõ lẽ để tham khảo vậy thôi.

Thành phần bước 1 - detoxifying charcoal gel
Water, Glycerin, Manganese Dioxide, Sodium Bicarbonate, Acrylates/C10-30 Alkyl Acrylate Crosspolymer, Phenoxyethanol, Caprylic/Capric Triglyceride, Cocamidopropyl Betaine, Sodium Hydroxide, Charcoal Powder, Xanthan Gum, Disodium EDTA, Sodium Chloride, Hordeum Vulgare/Hordeum Vulgare Extract/Extrait D'orge, Rosmarinus Officinalis (Rosemary) Leaf Extract

Glycerin, Caprylic/Capric Triglyceride là các chất cấp và giữ ẩm cho da. Tuy nhiên vì đây là mặt nạ rửa nên tớ không nghĩ hai thành phần này có quá nhiều công dụng.
Manganese Dioxide có tác dụng chống oxy hóa
Sodium Bicarbonate - hay baking soda/muối nở có tác dụng tẩy da chết nhẹ, giảm tiết dầu và hút bỏ cặn bã, giúp giảm sưng/viêm mụn
Acrylates/C10-30 Alkyl Acrylate Crosspolymer, PhenoxyethanolDisodium EDTA là các chất ổn định và chất bảo quản. Riêng Phenoxyethanol có khả năng gây dị ứng.
Cocamidopropyl Betaine là chất tẩy rửa khá dịu nhẹ cho da. Sodium Hydroxide (chính là NaOH để làm xà phòng đó ạ) lại có tính tẩy rửa rất mạnh và ở hàm lượng cao sẽ gây rát da, dị ứng.
Charcoal Powder: than hoạt tính, có tác dụng hút chất bẩn, dầu thừa và thải độc cho da - chính là ngôi sao của sản phẩm này, nhưng lại nằm tận cuối cuối bảng
Hordeum Vulgare Extract (chiết xuất đại mạch/barley) và Rosmarinus Officinalis Leaf Extract (chiết xuất lá hương thảo) đều có tác dụng chống oxy hóa, làm dịu da - tuy nhiên 2 chất này cũng nằm cuối bảng thành phần nên tớ không biết có tác dụng gì mấy không.

Thành phần bước 2 - oxygen foam booster
Aqua, Cetyl Alcohol, Hydrogen Peroxide, Polysorbate 40, Sorbitan Palmitate, Tocopheryl Acetate, Tetrahexyldecyl Ascorbarte
Cetyl Alcohol: cồn béo giúp làm mềm da
Hydrogen Peroxide: chính là oxy già. Chất này thì ai cũng biết có tác dụng diệt khuẩn, sát trùng vết thương. Nó có tính oxy hóa rất mạnh, đồng thời rất dễ gây khô da, kích ứng da, thậm chí có thể gây bỏng, nên chỉ dùng với liều lượng nhỏ, pha loãng và không nên dùng thường xuyên.
Polysorbate 40Sorbitan Palmitate là các chất nhũ hóa, chất ổn định dùng trong mỹ phẩm.
Cuối bảng là Tocopheryl Acetate (vitamin E) và Tetrahexyldecyl Ascorbarte (vitamin C) đều có tác dụng chống lão hóa. Riêng dẫn xuất của vitamin C này bền vững hơn, dịu nhẹ cho da, ít gây kích ứng hơn trong khi có khả năng đâm sâu vào biểu bì cho tác dụng chống lão hóa mạnh hơn các dạng vitamin C khác ví dụ như Ascorbic Acid hoặc L-ascorbic Acid. Một lần nữa hai chất này cũng nằm cuối bảng.

Ảnh tớ sau khi dùng từng bước. Bước 2 chụp hơi chậm nên bọt bị xẹp đi gần hết rồi :(

Monday, 1 January 2018

Review:: Trilogy Certified Organic Rosehip Oil

Hello cả nhà và chúc mừng năm mới!

Bài viết đầu tiên của năm 2018 này (như mọi khi) tớ sẽ dành để review em dầu dưỡng từ hạt tầm xuân (rosehip) đình đám đến từ New Zealand
Trilogy Certified Organic Rosehip Oil

Dưỡng da bằng dầu đã hot từ mấy năm nay, nhưng mãi tận năm ngoái tớ mới dám thử nghiệm với Mad Hippie Antioxidant Facial Oil (review ở đây) và có trải nghiệm rất khả quan. Sau khi dùng hết lọ Mad Hippie, tớ quyết định đổi sang dầu rosehip của Trilogy vì sản phẩm này đã được khen nhiều, lại có sẵn và rất dễ tìm mua ở Úc.

Về rosehip oil, tớ có đọc bài viết này của Mịn Blogger và được biết một trong những nguyên nhân bị mụn là khi da bị thiếu linoleic acid (hay acid béo Omega-6), nên sử dụng một loại dầu có nồng độ linoleic acid cao sẽ có khả năng làm giảm mụn, và dầu hạt tầm xuân (rosehip oil) là một trong số đó.

Ngoài em này, Trilogy cũng có một số sản phẩm dầu blend, kết hợp rosehip oil với các loại dầu khác có khả năng chống oxy hóa cao như dầu hạt cà chua, cranberry, hạt nho, jojoba... - nhưng tớ có đọc qua review thì thấy một số người dùng bị lên mụn, nên tớ quyết định mua loại dầu nguyên chất 100% rosehip oil này. 

Em này có giá bán là $25.99 cho lọ 20ml, tớ mua đợt sale Xmas vừa rồi nên chỉ còn chưa đến $16. Trilogy cũng có bán lọ size to hơn, 45ml mà giá chỉ $42.99. Tuy nhiên lưu ý hạn một lọ này là 6 tháng sau khi mở nắp nên tớ nghĩ lọ nhỏ sẽ phù hợp hơn.

Về bao bì, em ý đựng trong lọ thủy tinh màu nâu tối rất dày dặn, chắc chắn. Nắp lọ cũng chính là dropper đếm giọt có đầu vòi hơi cong cong, tớ thấy cái vòi này có vẻ kiểm soát giọt tốt hơn loại vòi thẳng thông thường.


Chất dầu của em này trong suốt, vàng óng và khá lỏng, mùi dầu rosehip khá đặc trưng, hơi ngang ngang (sorry tớ không biết tả sao nữa). Vì giờ bên Úc đang là mùa hè, nhưng Canberra chỗ tớ ở vẫn rất khô, nên một lần tớ dùng 3 giọt cho cả mặt và cổ. Tớ nghĩ các bạn da dầu ở nhà chắc chỉ cần 2 giọt là đủ.

Em này thấm vào da khá nhanh, khi thấm hết da mặt sẽ rất mềm, ẩm, không hề bị bí hay nặng mặt. Da sẽ hơi bóng nhẹ một chút, nhưng khi sờ vào không thấy nhờn. Dạo này nhiều hôm tớ bận con nhỏ, skincare buổi tối chỉ đơn giản là rửa mặt, dưỡng ẩm với Clinique DDMG (review ở đây) rồi đến em dầu này luôn, mà sáng dậy da sờ vẫn mềm, căng và đặc biệt không hề bị đổ dầu. Giờ dù tớ có lười hay bận đến mấy, cũng không thể bỏ qua bước dầu dưỡng cuối cùng là có thể yên tâm da được cấp ẩm đầy đủ, khỏi bong tróc.

Về khả năng làm mờ vết thâm, tuy tớ mới dùng em này 1 tháng, nhưng tớ có để ý là da tớ khỏe hơn, thâm mụn có vẻ mờ nhanh hơn so với khi tớ dùng dầu của Mad Hippie. Cái này có lẽ cần phải dùng lâu hơn để kiểm chứng lại.



Có mua lại hay không? Chắc chắn là có cho một sản phẩm dầu dưỡng ẩm tốt và giá rất phải chăng như thế này. Nhưng tớ cũng chưa biết khi nào vì lọ của tớ có 20ml mà dùng 1 tháng nay thấy vẫn y như mới. Cho các bạn da hỗn hợp thiên khô, dễ lên mụn, tớ rất recommend em này, rất đáng để thử đấy.